Tận dụng diện tích mặt nước rộng ở sông Trường Giang, lão nông Nguyễn Tấn Báu (58 tuổi, trú xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) đã mạnh dạn khởi nghiệp mô hình nuôi cá điêu hồng để làm giàu.
Có dịp đến vùng ven sông Trường Giang, đoạn chảy qua xã Đại Dương (huyện Thăng Bình), chúng tôi ghé thăm mô hình nuôi cá của lão nông Nguyễn Tấn Báu, người được mệnh danh là “triệu phú cá diêu hồng” ở nơi đây.
Dẫn chúng tôi đi tham quan những bè cá nằm nối đuôi nhau trên khúc sông dài, ông Báu chia sẻ rằng: “sông Trường Giang đã nuôi sống gia đình ông”. Bởi vậy, ông luôn muốn tìm tòi, nghiên cứu loài vật nuôi nào gắn bó được với con sông này.
Năm 2019, tình cờ xem ti vi thấy mô hình nuôi cá diêu hồng cho lãi cao nên ông bắt đầu học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi cá ở địa phương. Khi đã nắm vững kỹ thuật, ông tiến hành xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng ở sông Trường Giang.
Ông Báu chia sẻ: “Ban đầu, với khoảng 500 triệu đồng đã dành dụm, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình gần 120 m². Sau hơn 6 tháng, tôi đã xuất lứa cá đầu tiên và đã cho lãi trên 50 triệu đồng”.
Nhận thấy mô hình có tiềm năng phát triển, năm 2020, ông Báu vay 500 triệu đồng của ngân hàng để mở rộng diện tích lồng bè lên 1.000 m², với 65 lồng nuôi.
Ông Báu nói: “Cá diêu hồng dễ nuôi, ít bệnh mà đem lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với đó là điều kiện tự nhiên thuận lợi nên tôi quyết tâm mở rộng mô hình và dời nhà xuống ở luôn trên bè để tiện chăm sóc cá”.
Theo ông Báu, để chăm sóc cá diêu hồng theo cách nuôi lồng bè hiệu quả thì nên xây dựng bè với mật độ cá phù hợp, khoảng 3.000 con/lồng 24 m² để cá phát triển đồng đều. Từ 5-6 tháng thì cá có thể đạt trọng lượng để xuất bán.
Ông Báu bộc bạch: “Tôi cho cá ăn 2 lần mỗi ngày. Thức ăn cũng là nguồn chi phí lớn nhất để nuôi cá. Cá chủ yếu ăn bột và được bổ sung thêm đạm từ các loài cá tạp. Bột thì tôi mua nợ 50% từ các công ty, sau khi xuất bán sẽ trả tiếp phần còn lại”.
Ông Báu chia sẻ thêm, để nuôi cá ít chết thì cần phải chọn giống tốt, chú ý chọn con khỏe, cá đồng cỡ, bơi nhanh, màu sáng đẹp, không bị trầy da…
Ngoài ra, loài cá này rất nhạy cảm với nguồn nước và thời tiết khi chuyển mùa. Khoảng 15 ngày thì nên vệ sinh lồng bè để hạn chế các bệnh gây hại. Mới thả cá vào lồng nếu xảy ra tình trạng cá chết thì ngừng cho ăn, vì càng cho ăn vừa tốn kém mà cá càng chết.
Lãi khủng nhờ cá
Với tầm nhìn đúng, ông Báu đã “sản xuất cái mà thị trường cần” và ông đã thành công. Ông là người nuôi cá diêu hồng trong lồng bè thành công trên địa bàn huyện Thăng Bình. Hàng năm, doanh thu của ông luôn đạt ở con số cao, đồng thời tạo việc làm cho 2 công nhân thường xuyên với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ cá của ông Báu chủ yếu là Đà Nẵng và Quảng Nam. Giá bán cho thương lái từ 45.000-50.000 đồng/kg. Tùy theo kích cỡ của cá diêu hồng khi thu hoạch, giá bán ra có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu đạt trọng lượng hơn 1kg/con.
Ngoài được thương lái đến tận bè thu mua để đưa đi khắp nơi, người dân địa phương ở đây cũng rất thích mua cá của ông vì cá được nuôi trên dòng nước sạch, không dùng các loại thuốc tăng trưởng nên thịt cá vừa ngon vừa an toàn sức khỏe.
Ông Báu bộc bạch: “Năm nay dịch bệnh nên tôi không nuôi nhiều. Hiện trong hồ tôi còn hơn 30 tấn cá. Trung bình một tháng tôi có thể xuất hơn 10 tấn cá. Một năm có thể bán được 150 tấn, thu được vài tỷ đồng. Trừ hết các chi phí liên quan, tôi có thể lãi hơn 500 triệu đồng mỗi năm”.
Ông Nguyễn Văn Minh (47 tuổi, thương lái mua cá ở Quảng Nam) cho biết, cá diêu hồng của ông Báu được nhiều người ưa chuộng vì nuôi không dùng thuốc tăng trưởng. Ngoài ra, do dòng nước nên thịt cá rất ngon. Nhiều năm qua, ông rất tin tưởng về chất lượng cá diêu hồng ở đây.
Mô hình nuôi cá điêu hồng bằng lồng bè của ông Báu đã tạo thêm niềm tin và động lực cho nhiều hộ dân học hỏi và làm theo. Ông cũng không ngần ngại truyền đạt kinh nghiệm để mọi người có thể làm giàu từ mô hình nuôi cá diêu hồng này.
Nguồn: Khởi Nghiệp Mô Hình Nuôi Cá Điêu Hồng Trên Sông Trường Giang (khoinghieptre.vn)