TRUNG HẬU 

Đây là một trong các nội dung được nhấn mạnh tại Lễ ra mắt nền tảng quản lý tài sản số đầu tiên tại Việt Nam do Viện phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) tổ chức ngày 15/12 tại TP HCM. Theo đó, lễ ra mắt hệ sinh thái VIDE và MetaDAP (Meta- Digital Asset Platform) đánh dấu sự ra đời của nền tảng quản lý tài sản số đầu tiên tại Việt Nam và là một thành viên thuộc hệ sinh thái VIDE. Phát biểu tại đây, Thạc sĩ Nguyễn Văn Quý – Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung Ương cho biết: Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định nội dung của kinh tế số bao gồm kinh tế số công nghệ thông tin, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành. Trong đó, những dấu mốc quan trọng thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam năm 2022 tăng 28% so với năm 2021 và cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Singapore (đều có tốc độ tăng trưởng là 22%), Thái Lan (tốc độ tăng trưởng 17%), Malaysia (tốc độ tăng trưởng 13%). Đặc biệt, đóng góp của kinh tế số vào GDP là 14,26%, tăng 2,35% so với năm 2021. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Văn Quý cũng chỉ ra, kinh tế số của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển. Đồng thời, điều kiện về thể chế, hạ tầng, nguồn lực… chưa đồng bộ nên Việt Nam vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục có những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, đại diện Ban Kinh tế Trung Ương cho rằng, nhu cầu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 thì Việt Nam cần đến 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để thực hiện chiến lược marketing Việt Nam. Cho nên, việc ra mắt hệ sinh thái VIDE và MetaDAP cho thấy Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam đã lựa chọn hướng đi rất đúng. Tại buổi lễ, Tiến sĩ Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam cũng cho biết, với việc ra mắt hệ sinh thái VIDE và MetaDAP sẽ giúp cung cấp các quy trình, công cụ an toàn để hỗ trợ doanh nghiệp mã hóa tài sản, phát hành, quản lý tài sản số. MetaDAP tối ưu lợi thế về khai thác, vận hành và tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp nhờ tăng tính khả dụng của tài sản. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo tính tuân thủ, ngăn chặn gian lận, rửa tiền và ngăn chặn các hoạt động tài trợ cho khủng bố trong tương lai. Tại sự kiện, Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam cũng ra mắt Hội đồng chuyên gia, ký kết hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp và ra mắt bộ sưu tập NFT (một loại tài sản số) chủ đề “12 Con Giáp trong văn hóa Việt Nam”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *