Trí tuệ nhân tạo đang nhận được quan tâm, đầu tư của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp và đã cho thấy sự phát triển vượt bậc. Khi, có rất nhiều sản phẩm được ứng dụng vào thực tiễn và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo cho chúng ta thấy tiềm năng và khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế – xã hội và cũng đặt ra một số thách thức.
Theo đó, sử dụng tuệ nhân tạo có trách nhiệm không phải là một sự lựa chọn mà là một nhiệm vụ của cộng đồng các nhà phát triển, nhà triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo và người dùng. Vấn đề này hiện nay đang được thảo luận sôi nổi ở các quốc gia trên thế giới, trong đó EU và một số quốc gia bước đầu đã dự thảo hoặc ban hành những quy định và công cụ để quản lý trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm. Tại Việt nam, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127 về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Tp.HCM – đầu tàu kinh tế – cũng đã ban hành Quyết định số 575 phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Tp.HCM giai đoạn 2020-2030” với mục tiêu đưa Thành phố trở thành một trong những trung tâm của Việt nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo; có trình độ phát triển trí tuệ nhân tạo nằm trong nhóm các Thành phố dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
Phát biểu khai mạc Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023 (AI4VN 2023) vừa qua, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tiếp tục nhấn mạnh công nghệ AI đang là chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 xác định mục tiêu đưa Việt Nam thành điểm sáng, trung tâm công nghệ trong khu vực, quốc tế.
Dưới góc độ doanh nghiệp, việc ứng dụng AI ghi nhận tăng 3 lần hiệu suất kinh doanh. “ Nhờ sử dụng trợ lý ảo AI, hiệu quả làm việc của người viết nội dung quảng cáo, làm maketing có thể tăng 300-400 %”, ông Cao Xuân Hoài Vương, Chủ tịch CTCP AI Next Global cho biết.
Theo ông Vương, có gần 50% người Mỹ (phần nhiều dưới 35 tuổi) lo lắng AI sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ (thông tin của tờ DailyBest ra ngày 6/8) nhưng ở Việt Nam, đường như mọi người chưa cảm nhận về điều này.
“Chúng ta nghe về AI và ChatGPT rất nhiều nhưng thực tế ứng dụng rất ít” – Ông Vương phân tích 99,9% người dùng ChatGPT đang sử dụng không hiệu quả do không biết cách đặt câu hỏi hoặc đặt câu hỏi không hiệu quả.
Nhiều người cảm thấy mất nhiều thời gian mày mò nhưng không ra kết quả như ý hay “copy” và “paste” các câu lệnh không hiệu quả, hoặc không chịu học hỏi và nghĩ rằng mình không thích hợp với công nghệ. Kết quả ChatGPT đưa ra thông tin chung chung không giúp triển khai hành động, hoặc người dùng còn băn khoăn không biết công cụ này có thể giúp được gì.
“Đây là lý do khiến số người dùng ChatGPT chưa nhiều”, vị chuyên gia nói. Ghi nhận, ChatGPT ra đời cuối năm 2022 và cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt. Trong khi đó, Tiktok mất 9 tháng, Instagram 30 tháng, Pinterest 41 tháng, Uber 70 tháng, Google Translate 78 tháng, theo số liệu từ Yahoo Finance. Có thể nói nhờ ChatGPT nhiều người quan tâm hơn về AI và “giật mình” trước một sản phẩm trí tuệ nhân tạo có thể trò chuyện như con người.
Theo ông Vương, kỷ nguyên AI tạo ra ra từ khóa mới “Reskilling” (bổ sung kỹ năng) và “AITransformation”. Reskilling chính là đòi hỏi người lao động và doanh nghiệp hiểu, làm chủ và thành thạo công cụ AI; phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện và thích nghi với sự thay đổi hàng tuần.
Trong khi đó, AITransformation có nghĩa là tư duy lại quy trình các hoạt động kinh doanh để tận dụng tối đa năng lực của AI, đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu lớn được phân tích và đề xuất, giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, đổi mới và sáng tạo sản phẩm, dịch vụ.
Chuyên gia cũng cho rằng, nếu các doanh nghiệp không đón nhận sự phát triển của AI thì đang tụt lùi rất xa. Doanh nghiệp, người dân Việt Nam ứng dụng AI là góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc gia ứng dụng AI trên toàn thế giới.
Tham luận tại sự kiện, đại diện 4 quốc gia Anh, Mỹ, Australia và Hàn Quốc cũng đánh giá Việt Nam có những tiến bộ, thành tựu trong xây dựng hệ sinh thái AI thông qua các phát biểu chào mừng.
Ông Pablo Fuentes Nettel, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Oxford Insights nhấn mạnh Việt Nam có lợi thế về phát triển AI nhờ sự ủng hộ của Chính phủ. Theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022”, Việt Nam hiện có hai kỳ lân công nghệ, đứng thứ ba trong ASEAN. Ông đánh giá cao Việt Nam về nền tảng R&D, giáo dục đại học, tính cạnh tranh của thị trường. Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn dành quá ít đầu tư cho R&D, chỉ 0,5% GDP.
Ông Nettel khẳng định Việt Nam có tương lai tươi sáng nếu tập trung đầu tư AI. Đề xuất giải pháp, diễn giả cho rằng chuyển đổi 5G và xây dựng các cơ sở dữ liệu mở là giải pháp để tăng các chỉ số, tạo động lực cho sự bùng nổ công nghệ.