Trước những bất ổn về lực lượng lao động do Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng nên ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nhân sự. Việc này giúp giữ chân người lao động và tăng năng suất làm việc.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, tính đến cuối tháng 8/2021, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có gần 2,5 triệu lao động phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước. Vậy khi doanh nghiệp quay lại kinh doanh, sản xuất, làm thế nào để kéo người lao động mất việc bỏ về quê quay lại làm việc?
Trong buổi trò chuyện Phát triển vốn nhân lực cho một tương lai hậu Covid-19 tại Trường Đại học RMIT Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ để quản lí lực lượng lao động ổn định hậu Covid-19.
Tại Google, công nghệ phân tích dữ liệu về lực lượng lao động đã giúp công việc kinh doanh trở nên phát triển mạnh mẽ hơn sau mỗi năm. Công cụ trí tuệ nhân tạo, quy trình quản trị nhân sự kỹ thuật số tạo ra bộ dữ liệu cộng hưởng, cùng công nghệ phân tích đã giúp Google đưa ra các quyết định về nhân sự và kinh doanh hiệu quả hơn.
Qua thực tế, họ nhận ra kỹ năng của con người mà máy tính không thay thế được sẽ giúp nhiều trong khâu phân tích dữ liệu, quy trình tài chính và nhân sự. Dữ liệu thô và số liệu phân tích từ các phần mềm là tiền đề để con người đưa ra quyết định có cơ sở dữ liệu để phản biện.
Các dữ liệu được hình thành từ ngày đầu nhân viên còn là ứng cử viên đến phỏng vấn, đến các bước phát triển tiếp theo như vị trí trong doanh nghiệp, kỹ năng được đào tạo, thái độ làm việc là cơ sở của tiêu chuẩn chung cho nhân viên ngày nay, theo Phó chủ tịch, Giám đốc Quản trị nhân sự tại VNG Corporation ông Abhishek Mathur.
Từ năm 2020, Covid-19 đã thay đổi cách quản trị nhân lực bằng công nghệ. Theo đó, nhiều công nghệ được tạo ra giúp con người hiểu hơn xu hướng nguồn nhân lực trên thế giới, tạo ra đội ngũ làm việc siêu hiệu quả, đào tạo xuyên suốt quá trình làm việc và huấn luyện lại đội ngũ lãnh đạo.
Theo ông Yun-Han Lee – Giám đốc Deloitte Consulting Southeast Asia, để theo kịp xu hướng nhân lực mới, nhiều doanh nghiệp còn chú trọng sức khỏe tâm lý của người lao động.
Muốn đạt được mục tiêu, ông Adrian Angus Ole – Giám đốc điều hành Deloitte Consulting Đông Nam Á – khuyên dùng phương pháp Organisational Network Analysis – ONA – (Phân tích mạng lưới tổ chức) như một công cụ. Phương pháp phân tích này đi sâu xuống dưới bề mặt doanh nghiệp nhằm tìm hiểu cách thông tin luân chuyển và cách mọi người thực sự làm việc với nhau. Qua đó, doanh nghiệp có thể phát hiện được cách thức tương tác tưởng chừng vô hình giữa các thành phần.
Ông Ole nhận định: “Covid-19 đã mở ra một kho tàng dữ liệu cộng tác đồ sộ. Phương pháp ONA sẽ là chìa khóa dữ liệu phân tích. doanh nghiệp sẽ xây dựng thống hoạt động sắp xếp dựa theo mạng lưới linh hoạt từ bộ dữ liệu này, ngay cả để ứng phó trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài như đại dịch”.
Về nguồn dữ liệu, hiểu rõ lịch sử từng nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn. Blockchain – nền tảng phi tập trung có ứng dụng phân cấp quyền được sử dụng và xem cho người dùng sẽ đáp ứng được điều này. GS. Andrew R. Timming – Đại học RMIT cho rằng: “Công nghệ Blockchain sẽ giúp hình thành ngay từ ngày đầu của một nhân viên khi còn là ứng viên. Hồ sơ của người lao động gồm bằng cấp, chứng chỉ, thư giới thiệu, kết quả làm việc, dữ liệu đánh giá năng lực làm việc… nên được lưu trữ trong một nền tảng kỹ thuật số bảo mật. “
Ngoài Blockchain, công nghệ khác như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường và Internet vạn vật cũng sẽ đóng vai trò to lớn trong việc tuyển dụng, phát triển và quản trị con người trong doanh nghiệp . GS. Timming nhận định: “Lý thuyết về nguồn nhân lực hiện nay sẽ trở nên lỗi thời và quy trình tuyển dụng hiện nay sẽ thay đổi hoàn toàn trong vài năm tới”.
Nguồn dữ liệu nhờ công nghệ thu thập giúp không chỉ doanh nghiệp mà nhân viên của họ cũng được hưởng lợi. Phó Tổng giám đốc Nhân sự Công ty CP VNG chia sẻ cách VNG đã ứng dụng thành công phương pháp phân tích lực lượng lao động để cải thiện trải nghiệm nhân viên: “Chúng tôi thu thập dữ liệu khảo sát nhân viên và các công cụ dùng trong công việc. Qua đó, chúng tôi nhận thấy việc phân tích lực lượng lao động vô cùng hữu ích để đo lường hành vi nhân sự, tăng kết nối nhân viên, giảm chi phí, phát hiện tài năng và nâng cao hiệu quả”.
Ông Mathur cũng cho rằng sẽ có nhiều cơ hội để VNG Corporation thu hút và phát triển nhân tài ở giai đoạn hậu Covid-19 nhờ phương pháp này. Công cụ này cũng giúp VNG chăm sóc sức khỏe tinh thần và cả thể chất cho nhân viên, cũng như áp dụng mô hình công sở kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Theo ông Colin Blackwell, người sáng lập và CEO của công ty phần mềm do người khuyết tật phát triển: “Chuyển đổi số còn giúp người lao động làm được nhiều điều không tưởng trước kia. Hàng triệu người khuyết tật Việt Nam đang đóng góp vào kinh tế nhờ vào công nghệ. Họ có việc làm để tự lập và đóng thuế từ các sản phẩm phần mềm công nghệ bán ra nước ngoài.
Không dừng lại đó, ứng dụng công nghệ trong quá trình quản trị nhân sự còn giúp người lao động khuyết tật không thể di chuyển được có thể làm việc tại nhà. Các công cụ quản trị đều nằm trong chương trình máy tính hay điện thoại là cách nhân viên tại EnableCode vẫn thực hiện lâu nay”.
Nguồn: Có nên chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nhân sự? (khoinghieptre.vn)