TP – Phát hiện trái nhàu – loại quả dại có thể trồng ở vùng quê Quảng Nam làm dược liệu với nhiều công dụng, chị Nguyễn Thị Dung (SN 1988, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đã khởi nghiệp, cho ra nhiều dòng sản phẩm, mỹ phẩm chiết xuất từ loại quả độc đáo này.
Ý tưởng từ… bế tắc
Vốn là một người nội trợ, để trang trải kinh tế gia đình, khoảng 8 năm trước, chị Nguyễn Thị Dung bắt đầu tập tành kinh doanh với các mặt hàng như tinh dầu, xà bông… thiên nhiên. Đón tiếp nhiều khách hàng Hàn Quốc, thấy họ hỏi nhiều về trái nhàu, chị tò mò và bắt đầu tìm hiểu.
Thấy loại quả này có nhiều công dụng và được khách du lịch đến Đà Nẵng ưa chuộng, chị tìm kiếm nguồn hàng nhập từ Hàn Quốc về bán. Được một thời gian, nguồn cung đứt gãy, chị quyết định chuyển hướng, đầu tư để tự sản xuất mặt hàng thực phẩm từ trái nhàu. Nghĩ là làm, chị Dung tự trồng nhàu trong vườn nhà và liên kết với các hộ nông dân ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) để trồng.
“Vùng nguyên liệu mà tôi đang liên kết trước khi trồng nhàu, bà con chỉ trồng đậu, lúa một mùa, còn một mùa bỏ đất trống. Thu nhập của các hộ rất bấp bênh khi phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bởi vậy, khi được thuyết phục trồng nhàu và được bao tiêu sản phẩm, bà con rất ủng hộ”, chị Dung kể.
Có vùng nguyên liệu, chị quyết định đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và ra mắt thương hiệu Adeva. Lúc bắt đầu, chị Dung chỉ tập trung vào các dòng sản phẩm như: nước ép nhàu, bột trái nhàu, viên uống trái nhàu… Xác định tệp khách hàng tiềm năng là khách quốc tế đến Đà Nẵng, đặc biệt là khách Hàn Quốc, chị Dung đẩy mạnh sản phẩm vào các cửa hàng đặc sản, sân bay, trung tâm thương mại… Với lợi thế cạnh tranh về giá cả, sản phẩm từ trái nhàu của thương hiệu Adeva dần được biết đến.
Tuy nhiên, đến năm 2020, dịch bệnh bùng phát khiến du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, các sản phẩm làm ra không bán được, hàng liên tục bị trả về. “Thời điểm đó thực sự rất khó khăn. Tôi đã đầu tư nhà xưởng với gần chục nhân công, nguyên liệu cũng đã bao tiêu cho bà con”, chị Dung nhớ lại.
Tìm hiểu thông tin, chị biết được bên cạnh hỗ trợ xương khớp, trái nhàu còn có công dụng chống oxy hóa. Nhìn số bột nhàu bị trả về, chị lóe lên ý tưởng làm mỹ phẩm từ trái nhàu. Chị kết hợp với 2 dược sĩ để dịch các tài liệu nước ngoài cũng như nghiên cứu ứng dụng trái nhàu trong sản xuất mỹ phẩm. Lần lượt các dòng mỹ phẩm từ trái nhàu như: dầu gội, serum, mặt nạ, xà bông, dung dịch vệ sinh phụ nữ… ra đời.
Tháng 12/2023, Adeva có 4 sản phẩm được công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TP. Đà Nẵng năm 2023, gồm: dầu gội, dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước tắm cho bé và xà bông handmade. Trong đó, có 2 sản phẩm được đề cử để bình chọn Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên là dầu gội thảo mộc và dung dịch vệ sinh phụ nữ. Kem đánh răng thảo mộc đang chờ công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Trong thời điểm dịch bệnh, chị Dung tận dụng hết tất cả các kênh bán hàng online thông qua facebook, tiktok cũng như các trang thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng. Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, chị mang sản phẩm đến các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại… để mở rộng thị trường.
Tạo sinh kế bền vững cho nông dân
Mới đây, chị Dung kết hợp với một đối tác cho ra mắt dòng sản phẩm kem đánh răng thảo mộc chiết xuất trái nhàu. “Ý tưởng về sản phẩm này bắt nguồn từ khi tôi đi Thái Lan du lịch, thấy mọi người trong đoàn mua rất nhiều kem đánh răng về làm quà. Tôi chợt nghĩ tại sao Đà Nẵng không có sản phẩm lưu niệm nào như thế này”, chị Dung chia sẻ.
Qua không biết bao lần thử nghiệm, cho ra nhiều sản phẩm mẫu, chị Dung mới sản xuất được tuýp kem đánh răng thảo dược đầu tiên. “Không ngờ kem đánh răng lại nhận được phản hồi rất tốt, đơn đặt hàng liên tục đổ về nên tôi quyết định phát triển thêm dòng sản phẩm kem đánh răng riêng với thương hiệu Atoka”, chị Dung cho biết.
Chị cũng liên kết với một hợp tác xã ở Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) để thu mua cau và các loại thảo dược. Vùng trồng nhàu ở Đại Lộc, chị đặt hàng người dân trồng xen canh với các loại thảo dược dưới tán nhàu để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất. “Miền Trung khí hậu rất khắc nghiệt, bởi vậy, cây nhàu là một sự lựa chọn rất ổn định. Đây là loại cây dễ trồng, không tốn quá nhiều công chăm sóc, dễ dàng trồng xen các loại cây khác để tăng giá trị kinh tế”, chị Dung cho hay.
Mỗi tháng, cơ sở của chị Dung tiêu thụ 4-5 tấn nguyên liệu trái nhàu tươi cùng hàng trăm kg các loại thảo dược khác. “Với các dòng mỹ phẩm, mỗi tháng chúng tôi bán ra thị trường từ 5.000 đến 10.000 sản phẩm. Với sản phẩm kem đánh răng, mỗi tháng trung bình khoảng 5.000 sản phẩm. Cơ sở bước đầu tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ”, chị Dung cho biết thêm.