VOV.VN – Bộ Chính trị mới đây ban hành Nghị quyết 41 về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh về yêu cầu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các ngành, các cấp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới để đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động.
Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo và định hướng của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và đào tạo và lãnh đạo của các tỉnh, thành phố và địa phương; sự tích cực của cộng đồng khởi nghiệp, hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, cả trong khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và cả từ các tổ chức quốc tế theo nhiều mô hình đa dạng, phong phú.
Khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp trên cả nước đã và đang hoạt động. Nhiều trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc tế có hoạt động hoặc phối hợp để vận hành các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam xếp thứ 58 trên bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển.
Ông Nghĩa cho biết: “Ngoài các hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ, Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần có các Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực, đặc biệt là các thành quả trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống, từ địa phương, trung ương, từ khu vực doanh nghiệp và cả từ các tổ chức quốc tế”.
Để góp phần thực hiện hoá mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động.
“Phải thúc đẩy quá trình khởi nghiệp, trong đó khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng năng suất. Hiện nay trong số các chỉ tiêu đánh giá qua nửa nhiệm kỳ Đại hội 13 và nhìn rộng hơn trong suốt giai đoạn thực hiện chiến lược 2011-2020, một chỉ tiêu rất thách thức cho Việt Nam, đó chính là vấn đề năng suất lao động. Do đó để thực hiện được điều này thì chỉ có các hoạt động thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp” – ông Hiển cho biết.
Nguyễn Hằng/VOV1