Sáng nay, dẫu mùa đông nhưng tôi vẫn thấy ấm lòng bởi sắp đến ngày Tết Quân đội (22-12). Bất chợt nghe câu hát trầm hùng trong ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” của nhạc sĩ Doãn Nho vang lên từ chiếc radio, tôi cảm nhận lời bài hát như tiếng kèn xung trận, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước tha thiết trong tim những người chiến sĩ.
Trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, ngày 22-12 trở nên quá đỗi thân thương, bởi đây là Ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Niềm vui, niềm tự hào hân hoan ấy thể hiện tình cảm quân dân sâu nặng, thắm thiết. Đó là minh chứng góp phần khẳng định bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam: Quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ. Phẩm chất trong sáng và nhân cách cao đẹp ấy được xây đắp nên từ tinh thần chiến đấu dũng cảm, không quản gian khổ, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân.
Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng là ý nguyện sắt son, niềm tin chiến thắng; là chân lý rạng ngời thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của một dân tộc anh hùng.
Lịch sử 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, kể từ khi ra đời dưới cánh rừng Việt Bắc mùa đông năm 1944, dưới ánh sáng soi đường chỉ lối của Đảng, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ngày 30-4-1975, những cánh quân hùng dũng tiến vào giải phóng Sài Gòn… Đất nước trọn niềm vui hát vang bài ca khải hoàn. Chiến thắng mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Thời bình, những đội quân thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng lại về với vùng biên cương heo hút, chung sức giữ dân, giữ đất, giữ buôn làng. Những cánh rừng cao su xanh thẳm; những bãi sắn, nương ngô ngút tầm mắt… Màu xanh no ấm ấy được xây nên bởi chính bàn tay của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị kinh tế-quốc phòng và sự cố gắng của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số. Nơi vùng cao heo hút của mọi miền Tổ quốc đang hiện hữu một nhịp sống mới.
Dẫu thời bình nhưng người chiến sĩ vẫn phải gồng mình nơi rừng sâu, đảo vắng, hiên ngang nơi sóng cuồng, bão giật. Hình ảnh người chiến sĩ xông pha trên sông, biển dũng cảm cứu dân; hình ảnh người chiến sĩ giúp dân qua cơn hạn hán, thực hiện “3 cùng” với đồng bào… chấp nhận gian khổ, mất mát để giúp dân dựng nhà sau lũ… làm ấm lòng đồng bào. Càng trong gian khó, hiểm nguy, trong mất mát, đau thương thì tình quân dân lại càng thêm ngời sáng. Không ai có thể quên được những trận bão lũ lịch sử tại miền Trung xảy ra vào tháng 10 và tháng 11-2020. Các địa danh: Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), Trà Leng, Phước Sơn (Quảng Nam) đều in dấu chân Bộ đội Cụ Hồ. Trong mưa gió, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cần mẫn đào từng mét đất, mò tìm dọc triền sông, suối tìm kiếm người dân mất tích. Để có được cuộc sống bình yên cho nhân dân, biết bao người lính đã ra đi không trở về…
Đại dịch Covid-19 bùng phát, người chiến sĩ lại đương đầu trên mặt trận mới. Họ bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, đóng chốt trên rừng sâu, muỗi đốt, sên vắt, canh giữ biên cương không cho dịch tràn vào. Với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, các đơn vị Quân đội được giao nhiệm vụ bảo đảm các khu cách ly tập trung, tiếp nhận hàng trăm nghìn công dân. Hình ảnh bộ đội tiết kiệm khẩu phần ăn, tích cực tăng gia, tổ chức “gian hàng 0 đồng”, rau xanh chiến sĩ; hình ảnh người lính dầm mình trong mưa tuôn nắng rát đi tận từng ngõ xóm, nhà dân tiếp tế lương thực, thực phẩm, đêm về mệt nhoài ngả mình trên nền đất lạnh, sẵn sàng nhường giường chiếu cho dân… khiến bao người xúc động. Viết tiếp bản hùng ca về người lính giữa thời bình, đội ngũ bác sĩ quân y cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ xung phong lên đường vào miền Nam theo tiếng gọi của đồng bào. Vì nhiệm vụ, người lính cứ biền biệt xa nhà, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” dồn hết lên vai vợ. Chiều thứ bảy, bao gia đình đoàn tụ, chỉ có những người vợ lính lặng lẽ ôm con, lặng lẽ đợi chờ chồng.
Hình ảnh những người lính tiết kiệm khẩu phần ăn, tích cực tăng gia, tổ chức “Gian hàng 0 đồng”, rau xanh chiến sĩ; hình ảnh người lính dầm mình trong mưa tuôn nắng rát đi tận từng ngõ xóm, nhà dân tiếp tế lương thực, thực phẩm, đêm về mệt nhoài ngả mình trên nền đất lạnh, sẵn sàng nhường giường chiếu cho dân… khiến bao người xúc động. Viết tiếp bản hùng ca về người lính giữa thời bình, đội ngũ bác sĩ quân y cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ xung phong lên đường vào miền Nam theo tiếng gọi của đồng bào. Màu áo trắng, áo xanh căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Ai có thể thấu hiểu được sự mất mát, hi sinh, âm thầm chịu đựng của người chiến sĩ. Vì nhiệm vụ, người lính cứ biền biệt xa nhà. Nỗi lo “cơm áo gạo tiền” dồn hết lên vai vợ. Chiều thứ 7 bao gia đình đoàn tụ, chỉ có những người vợ lính lặng lẽ ôm con, lặng lẽ đợi chờ chồng….
Bộ đội Cụ Hồ ngày nay luôn mang theo hành trang là sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết, sự trung thành và khát vọng cống hiến để góp sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.