Người xưa thường nói “phi thương bất phú”, thế nhưng dù cho nhiều người đã bắt tay vào kinh doanh từ lâu nhưng kết quả mà họ đạt được vẫn mãi không được như mục tiêu ban đầu. Phải chăng là do mô hình kinh doanh của họ có vấn đề? Câu chuyện sau đây sẽ cho thấy việc chuyển đổi mô hình kinh doanh có thể giúp người ta thành công như thế nào.
Là một nhân viên văn phòng, làm việc trong ngành thương mại điện tử, cô Hàn và những người đồng nghiệp thường có một thói quen là ăn vặt và đặt đồ uống vào buổi chiều. Vì vậy mà mỗi chiều khoảng 3 giờ là tất cả mọi người sẽ cùng nhau đặt đồ uống về công ty. Tận dụng điều này, cô Hàn bắt đầu nhận thấy cơ hội kinh doanh cho chính bản thân mình: mở cửa hàng trực tuyến (online) có thể cung cấp thức ăn nhẹ cho dân văn phòng!
Thế nhưng, cùng với sự phát triển và hội nhập, những cửa hàng online như vậy không hề hiếm, thậm chí ngay dưới toà nhà mà cô làm việc cũng có cửa hàng của thương hiệu trà sữa nổi tiếng, vậy thì lý do gì để người ta phải mua sản phẩm của cô? Để giải quyết được vấn đề này thì sản phẩm của cô Hàn sẽ phải thật độc đáo và tạo được uy tín cho khách hàng. Nhưng để tìm ra một sản phẩm đủ khả năng cạnh tranh trong thị trường thì lại là một câu hỏi lớn.
Ảnh minh hoạ
Một hôm, cô Hàn vô tình mua một ly nước trái cây khi trên đường đi mua sắm. Trong phút chốc cô đã tìm được định hướng cho cửa hàng online của mình: nước ép trái cây tươi. Nước ép trái cây không chỉ ngon mà còn chứa các loại vitamin và nguyên tố vi lượng khác rất có lợi cho sức khỏe của những nhân viên văn phòng. Mỗi ngày họ đều phải tiếp xúc với bức xạ máy tính trong thời gian dài, vì vậy vitamin trong trái cây sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời.
Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, cô Hàn đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ với bạn bè và đồng nghiệp của mình về vấn đề này. Kết quả là hơn 75% trong số họ cho rằng nếu giá cả phù hợp và chất lượng nước ép đảm bảo, họ chắc chắn sẽ mua nó thay vì các loại nước khác.
Ảnh minh họa
Mặt khác, nước ép trái cây tươi cũng có thể đem lại cho cô lợi nhuận nhiều hơn nhiều lần so với kinh doanh thực phẩm khác. Ví dụ một ly nước cam tươi 380ml nguyên chất sẽ cần khoảng 3 trái cam, chi phí khoảng 6 NDT (tương đương 20.000 VNĐ) nhưng cô có thể bán nó với giá 20 NDT (tương đương 66.000 VNĐ), quả thực quá hời cho một vụ làm ăn.
Sau khi tiến hành tìm hiểu các phương diện cũng như hạch toán chi phí, cô Hàn đã bắt tay xây dựng cửa hàng online của mình. Mọi đơn đặt hàng tại Bắc Kinh sẽ được giao trong vòng một giờ đồng hồ. Do mới xây dựng cửa hàng online nên website của cô rất ít người biết đến. Vì vậy, để quảng cáo cửa hàng, cô buộc phải cho phát tờ rơi để giới thiệu cửa hàng và sản phẩm.
Bằng tất cả sự tâm huyết, cửa hàng của cô dần đi vào hoạt động ổn định. Chỉ trong tháng đầu tiên, doanh thu đã đạt được 2 vạn NDT (tương đương 65 triệu VNĐ). Sau khi trừ các chi phí, số lãi rơi vào khoảng hơn 3000 NDT (tương đương 9,8 triệu VNĐ). Sáu tháng sau đó, số đơn hàng ngày một tăng lên, có những ngày lên tới hơn 100 đơn hàng, số nhân viên giao hàng hiện tại thực sự không đủ, vì vậy cô Hàn đã cân nhắc đến chuyện mở rộng quy mô cửa hàng.
Ảnh minh họa
Tiếp đó, cửa hàng của cô đã có mặt tại những trung tâm thương mại khác, nơi mà dân văn phòng hay giới học sinh, sinh viên thường lui tới để mua sắm. Nhưng ngược với dự tính ban đầu, những cửa hàng này thực sự không mang lại nhiều lợi nhuận như cô kỳ vọng. Dù cho có chi nhánh doanh số lên tới hơn 6 vạn NDT (tương đương gần 200 triệu VNĐ) một tháng, nhưng số lãi thực tế thậm chí còn không được nổi 1000 NDT (tương đương 3,2 triệu VNĐ). Điều này khiến cô Hàn vô cùng đau đầu, không biết lý do của vấn đề này nằm ở đâu.
Chỉ đến khi cô phân tích lại số lượng đơn hàng đã giao thì phát hiện nguyên nhân nằm ở khâu đặt hàng. Ví dụ, có những đơn hàng chỉ có một ly nước, nhưng lại phải giao hàng tận nơi, điều này khiến cho số lượng nhân viên buộc phải tăng lên để đáp ứng tôn chỉ “giao trong một giờ” của cửa hàng. Điều này vô hình chung khiến quy mô của cửa hàng lớn hơn nhưng không đem lại lợi ích về doanh thu. Vả lại, những đơn hàng nhỏ lẻ này cũng gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của cửa hàng.
Ảnh minh họa
Sau cùng, thông qua tham khảo ý kiến của một vài người bạn trong ngành, cũng như xét trên lợi ích cửa hàng, cô Hàn quyết định chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh sang trực tuyến và sẽ có nhiều ưu đãi cho những đơn hàng có từ 5 cốc nước trở lên.
Bên cạnh đó, cô cũng kết hợp quảng cáo cửa hàng trong chính vòng tròn các mối quan hệ của mình, từ đó giúp cho các các đơn hàng đặt về có sự tập trung rõ ràng hơn. Sau một loạt các điều chỉnh, hoạt động kinh doanh của các cửa hàng online đã tiến bộ hơn rất nhiều. Kết quả là chỉ chưa đầy nửa năm, số tiền lãi cô thu về từ những cửa hàng này đã lên tới hơn 20 vạn NDT (tương đương 665,3 triệu VNĐ).
Không lâu sau đó, cô Hàn đã đánh cược bằng việc nghỉ hẳn công việc văn phòng và chuyên tâm vào kinh doanh cửa hàng của mình. “Tôi đã cân nhắc đến việc sẽ tạo một ứng dụng riêng cho cửa hàng của mình. Bắc Kinh là một thị trường lớn và đầy tiềm năng, lượng người tiêu dùng vô cùng đông đảo. Tôi cho rằng nếu không tận dụng những điều này để phát triển thì thực sự rất đáng tiếc!” – cô Hàn chia sẻ.
Ảnh minh họa
Phân tích về chiến lược cũng như mô hình kinh doanh của cô Hàn có thể tổng kết lại gồm ba điểm lớn như sau:
Xây dựng kế hoạch rõ ràng: Đây là bước khởi đầu quan trọng nhất, bởi nó quyết định hướng đi của việc kinh doanh sau đó. Có thể thấy cô Hàn đã có một sự chuẩn bị vô cùng kỹ càng cho việc xây dựng cửa hàng trực tuyến của mình. Bên cạnh đó, cô cũng sẵn sàng làm từ những việc nhỏ nhất để tìm ra được vấn đề và mô hình kinh doanh cho mình.
Bắt đầu hoạt động kinh doanh: cần đảm bảo chất lượng và yêu cầu về sản phẩm. Đối với cửa hàng của cô Hàn, sản phẩm kinh doanh là nước ép trái cây, như vậy độ tươi của nguyên liệu cần được đảm bảo bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ khách hàng và uy tín của cửa hàng. Bên cạnh đó, có thể mở rộng kinh doanh các mặt hàng khác đi kèm như món tráng miệng hay đồ ăn nhẹ để mở rộng sự lựa chọn cho khách hàng. Như vậy, việc tìm kiếm nguồn hàng uy tín, chất lượng là rất quan trọng.
Vấn đề rủi ro trong kinh doanh: Cần nghiên cứu kỹ thị trường cũng như đánh giá về mức độ tiêu dùng của người dân tại khu vực kinh doanh. Từ đó, xác định sản phẩm hợp lý và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền và quảng bá trong giai đoạn đầu, từ đó có thể tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng. Sau khi doanh nghiệp có một quy mô nhất định, có thể xem xét việc mở rộng chi nhánh nhưng cần cân nhắc lại về cách thức cũng như mô hình kinh doanh.