Internet of Things (IoT) – Internet kết nối vạn vật đang bùng nổ. Theo công ty nghiên cứu và tư vấn về IT hàng đầu thế giới Gartner, năm 2016, có 6,4 tỉ vật kết nối (với nhau, với Internet, với thế giới bên ngoài) được sử dụng trên toàn cầu, tăng 30% so với năm 2015. Họ dự báo đến năm 2020, sẽ có 20,8 tỷ vật kết nối được sử dụng.
Gartner cũng cho rằng cứ mỗi ngày trong năm 2016, có 5,5 triệu vật mới được kết nối. Một vật trong IoT được xem là bất kỳ vật thể tự nhiên hay nhân tạo nào mà có thể gán được một địa chỉ IP và cung cấp khả năng truyền dữ liệu thông qua mạng lưới, đó có thể là chiếc xe hơi với bộ cảm biến dò đường, một người với trái tim cấy ghép, một động vật được gắn bộ chip sinh học. Viện Nghiên cứu McKinsey Global Institute dự báo tác động của IoT lên nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025 sẽ ở mức 6.200 tỉ đô la Mỹ. IoT rõ ràng là tương lai của thế giới.
Các doanh nghiệp ngày càng sẵn sàng với IoT. Trong một cuộc khảo sát lấy ý kiến 465 công ty từ 18 nước khắp năm châu mà Gartner công bố hồi đầu năm nay, 29% nói rằng công ty của họ đang dùng IoT, 14% nói sẽ thực hiện trong năm 2016, 21% nói sẽ lên kế hoạch trong năm 2016. Như vậy, 64% đã sẵn sàng với IoT. Sự sẵn sàng này chính là cơ hội cho các startup. Các startup IoT đã nhận được 7,4 tỉ đô la Mỹ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong sáu năm qua, theo số liệu từ quỹ đầu tư CB Insights. Càng về sau, sự tăng trưởng đầu tư càng ngoạn mục: năm 2015 tăng 83% so với năm 2014.
Khởi nghiệp IoT mới là high-tech
Tại Việt Nam, IoT được ứng dụng lẻ tẻ dưới các hình thức tự động hóa như hệ thống nhà thông minh, hệ thống tưới tiêu tự động… Chỉ bắt đầu từ năm 2015 thì khái niệm IoT mới được nhắc đến nhiều thông qua các hội thảo, hội nghị về xu hướng công nghệ, về xây dựng thành phố thông minh. Hoạt động khởi nghiệp trong ngành này khá lặng lẽ so với các ngành khác.
Tháng 4 năm nay, một cuộc thi có quy mô lớn đầu tiên cho các startup IoT mới được khởi động, mang tên “IoT Startup – Phát triển đô thị thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống” do Ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức, với 71 dự án đăng ký tham gia. Cuối tháng 8 vừa qua, vòng chung kết cuộc thi được tổ chức, một đội giải nhất và bốn đội đạt giải khuyến khích được SHTP ưu tiên hỗ trợ để hoàn thiện công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
Nhìn qua thì các sản phẩm mang tới cuộc thi khá giống với những sản phẩm đã ứng dụng trên thế giới như hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, khóa cửa thông minh, hệ thống cảm biến không dây trong quan trắc chất lượng nước thải công nghiệp… Nhưng theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, Trưởng ban giám khảo cuộc thi: “Nhu cầu ở các nước giống nhau nhưng giải pháp ở từng nước lại khác nhau nên mỗi dự án đều có tính khả thi riêng”.
Vài năm qua, các startup công nghệ tập trung phục vụ và khai thác nền kinh tế chia sẻ, tạo ra các dịch vụ dùng ứng dụng di động kiểu Uber. Những Tiki, Foody, Lozi, Vexere… nổi đình nổi đám ở Việt Nam qua các vòng gọi vốn đầu tư mạo hiểm từ các quỹ nước ngoài. Nhưng theo nhận xét của ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng của Hoa Sen Group, các dự án đi vào thương mại điện tử đó chỉ là low-tech, những dự án về IoT mới thật sự là high-tech.
Khó khăn trong khởi nghiệp IoT
Trong khởi nghiệp với ứng dụng di động cho một dịch vụ nào đó, quá trình tạo ra sản phẩm không quá khó nhưng công sức và chi phí tiếp thị để thuyết phục, lôi kéo cộng đồng sử dụng dịch vụ rất tốn kém. Nhiều dự án chết yểu vì không đủ sức để duy trì các khoản chi phí này cho đến khi được các nhà đầu tư để mắt tới hoặc đến khi thu được tiền từ người sử dụng.
Khởi nghiệp IoT không mất nhiều chi phí tiếp thị nhưng chi phí tạo ra sản phẩm mẫu và hoàn thiện công nghệ lại cao; từ ý tưởng đi đến sản phẩm mất nhiều thời gian vì Việt Nam chưa sẵn các thiết bị phần cứng. Phạm Khôi Nguyên, sinh viên khoa Kỹ thuật y sinh trường Đại học Quốc tế, cho biết nhóm của anh phải mua chip, cảm biến từ bang Texas (Mỹ), thử nghiệm và hỏng nhiều lần mới có được sản phẩm mẫu mang đến cuộc thi.
Dự án của Phạm Khôi Nguyên là “Hệ thống giám sát và cảnh báo các vấn đề về tim mạch” – một giải pháp chăm sóc sức khỏe tự động và liên tục cho những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Bộ sản phẩm gồm bốn thiết bị gắn trên người bệnh nhân và ứng dụng di động để bác sĩ và người nhà theo dõi tình trạng của bệnh nhân, chỉ riêng giá thành vật liệu đã tới 192 đô la Mỹ, sẽ khó khăn nếu đưa sản phẩm ra thị trường hiện nay. “Nhập vật liệu từ Trung Quốc giá rẻ nhưng không bền, nhập từ Mỹ và châu Âu thì giá quá cao”, Nguyên cho biết nhóm của anh sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và tìm cách giảm giá thành với sự hỗ trợ của SHTP.
Đỗ Minh Trí cũng vật vã trong hai năm qua, đã chi phí khoảng 500 triệu đồng cho dự án “Tưới thông minh quy mô lớn tích hợp dữ liệu online”. Anh nói: “Tạo ra một sản phẩm IoT không đơn giản. Hai năm qua đối với tôi là một vòng lặp: thiết kế bảng mạch, đưa ra ngoài in mạch, gắn phần cứng, viết phần mềm, đem ra thực tế thử nghiệm. Mỗi một vòng thử ra một lỗi là phải làm lại từ đầu”.
Sản phẩm của Đỗ Minh Trí có khác so với các sản phẩm được áp dụng trên thế giới là anh dùng xe robot tự hành gắn cảm biến đo các thông số môi trường như độ ẩm đất, độ ẩm không khí trên đồng ruộng. Các thông số này truyền hệ thống phân tích xử lý thông tin, sau khi thông tin được xử lý sẽ truyền lại cho robot để robot ra lệnh tưới cho các vòi nước.
Ưu điểm của hệ thống này là tiết kiệm tối đa các cảm biến gắn ở các vị trí trên đồng ruộng. Căn cứ vào các thông số môi trường ở thời điểm thực và căn cứ vào đặc tính mỗi loại cây trồng mà hệ thống sẽ ra quyết định tưới bao nhiêu là vừa. Hệ thống tưới này đặc biệt hiệu quả cho những loại cây trồng háo nước được trồng ở những nơi khô hạn, như cây cà phê ở Tây Nguyên. Đỗ Minh Trí cho biết sản phẩm của anh đang ở những vòng cuối hoàn thiện, tháng 10 tới đây anh sẽ lập công ty và mang sản phẩm đi tiếp thị.
Các startup như của Phạm Khôi Nguyên và Đỗ Minh Trí rất cần sự hỗ trợ từ những trung tâm chế tạo sản phẩm mẫu (prototype) nhưng tại Việt Nam vẫn chưa có. Ông Lê Hoài Quốc cho biết SHTP hiện đang kết hợp với trường Đại học tổng hợp bang Arizona (Mỹ) lập dự án xây dựng một trung tâm chế tạo sản phẩm mẫu.
Lợi ích quá rõ, nhưng vấp nhiều rào cản
Dự án giành giải nhất trong cuộc thi IoT Startup kể trên với phần thưởng 60 triệu đồng là dự án “Hệ thống đèn đường thông minh” của công ty S3 (Smart Streetlight System).
Giải pháp đèn đường thông minh bao gồm các bộ điều khiển kết nối trực tiếp với trụ đèn, giao tiếp không dây bằng sóng vô tuyến với một bộ trung tâm, một tuyến đường dài chỉ cần một bộ trung tâm như vậy. Bộ trung tâm kết nối điện toán đám mây, truyền dữ liệu về các máy tính để kiểm soát và điều khiển từ xa: thiết lập hẹn giờ cho từng chế độ chiếu sáng, tắt mở trực tiếp từ xa, cảnh báo đèn hư hỏng…
S3 do Phan Minh Hiếu, người từng sống và làm việc trong lĩnh vực IT cho chính quyền một bang ở Tây Úc cùng Tăng Phan Thanh Hiệp và Đỗ Nguyễn Thanh Đồng đồng sáng lập. Theo Phan Minh Hiếu, “hệ thống đèn đường hiện tại mở từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng là rất lãng phí. Nếu sử dụng giải pháp thông minh thì từ 12 giờ đêm tới sáng, tùy từng khu vực có thể tắt bớt một phần tư đến một nửa số bóng đèn, giảm sáng 40% mỗi bóng trong trường hợp dùng đèn LED, như vậy sẽ tiết kiệm được 30% điện năng”. Hiếu cũng cho biết “một khu công nghiệp hay một khu phố dùng hệ thống này có thể đảm bảo sau 18 tháng là hoàn vốn lắp đặt hệ thống qua việc tiết kiệm điện”. S3 đã nhận hợp đồng đầu tiên: trang bị hệ thống cho Khu công nghệ cao TPHCM.
Ngoài chức năng tiết kiệm điện cho chiếu sáng, hệ thống còn nhiều giá trị gia tăng khác phục vụ cho giao thông thông minh và các mục đích thương mại nhằm hướng tới tương lai thành phố thông minh. Ví dụ như đối với đèn tín hiệu giao thông ở các ngã tư, hệ thống sẽ nhận biết tuyến đường nào đang có đông người lưu thông để ra lệnh cho đèn giao thông duy trì ở trạng thái xanh lâu hơn. Hay hệ thống có thể nhận biết trên đường đang có nhiều phụ nữ hay nam giới hơn để ra lệnh cho các bảng quảng cáo trên đường phát những quảng cáo phù hợp với đối tượng mục tiêu.
Thị trường tiềm năng của S3 không chỉ là 1,5 triệu cột đèn đường hiện có ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài và cả thị trường đèn LED được dự báo lên đến 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2018. Phan Minh Hiếu cho biết S3 sẽ tìm kiếm – hợp tác với công ty sản xuất đèn LED để cho ra loại đèn LED gắn cảm biến, tự điều chỉnh sáng tối.
Lợi ích của IoT thì đã rõ nhưng cũng như Đỗ Minh Trí, Phan Minh Hiếu cho rằng điều khó khăn ở Việt Nam là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chính quyền vẫn chưa sẵn sàng ứng dụng IoT. Các hội thảo, tham luận về đô thị thông minh, giao thông thông minh ngày càng nhiều nhưng sự thông minh đó vẫn chưa áp dụng được nhiều vào cuộc sống là do còn nhiều rào cản. Thứ nhất, băng tần sóng vô tuyến nhà nước cung cấp cho dân dụng ít, nhiều “ông lớn” đang chiếm giữ băng tần mà khai thác chẳng bao nhiêu. Thứ hai, sự chưa sẵn sàng với IoT chưa hẳn bắt nguồn từ việc thiếu hiểu biết về IoT mà vì liên quan đến quyền lợi của các nhóm.
Những công ty công nghệ nắm trong tay các giải pháp kỹ thuật nhưng quy mô nhỏ rất khó chen chân vào lĩnh vực đầu tư công.
Muốn xây dựng đô thị thông minh thì chính quyền phải quyết liệt thực hiện mục tiêu, tạo ra một số dự án tiên phong và có những chính sách hợp tác công – tư phù hợp để gắn kết các nguồn lực.
Nguồn trích: https://khoinghieptre.vn/khoi-nghiep-internet-of-things-iot-de-hay-kho