Thành phố lớn nhất Canada Toronto, được cho sẽ là nơi thu hút những làn sóng công nghệ mới tiếp theo…
Theo The New York Times, khi ngành công nghệ tiếp tục mở rộng, bên ngoài Thung lũng Silicon, các thành phố khác cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ trong cuộc đua trở thành điểm đến tiếp theo của làn sóng công nghệ. Trong đó, Toronto được coi là “điểm sáng” trên bản đồ của các đại gia công nghệ và giới đầu tư.
Cuối tháng Hai vừa qua, Microsoft đã mở một văn phòng làm việc 4 tầng trong tòa tháp ở trung tâm thành phố Toronto. Trong khi đó, những ông lớn công nghệ Mỹ như Amazon và Apple cũng đã sẵn sàng góp mặt. Google cũng đã chuẩn bị xây dựng một văn phòng ở trung tâm thành phố này.
“Không chỉ những gã khổng lồ công nghệ Mỹ mà các công ty thương mại điện tử Canada như Shopify đều đã đến Toronto với hy vọng có thể thu hút được thêm những nhà nghiên cứu hay kỹ sư tài năng…”
Ở phía Bắc Toronto cũng đang đón chào một vị khách mới là Pinterest. Đại gia truyền thông xã hội này của Mỹ cũng đang ở quá trình hoàn thiện những bước cuối cùng của văn phòng ba tầng mới xây dựng.
Ngoài ra,Công ty thanh toán của Mỹ Stripe, đã mở một văn phòng gần Tòa thị chính cũng gần với Klarna, một công ty thanh toán Scandinavia, đã tuyên bố sẽ đến và mang theo những đột phá to lớn.
Những tiềm năng sẵn có
Nhờ nhiều năm đầu tư từ các trường đại học địa phương từ cơ quan chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp hay các chính sách nhập cư tự do của Canada, Toronto hiện là trung tâm công nghệ lớn thứ ba ở khu vực Bắc Mỹ, chỉ xếp sau New York và Silicon Valley. Đây là nơi thậm chí có nhiều nhân viên trong lĩnh vực công nghệ hơn cả Los Angeles, Chicago, Seattle và Washington, D.C., theo báo cáo của công ty tư vấn bất động sản CBRE.
Lực lượng lao động công nghệ của Toronto đang phát triển nhanh hơn bất kỳ trung tâm công nghệ nào ở Hoa Kỳ. Không giống như nhiều thành phố khác, Toronto đã sẵn các nguồn lực cần thiết để duy trì xu hướng này lâu dài.
Đây là thành phố lớn thứ tư ở Bắc Mỹ, với dân số khoảng ba triệu người trong thành phố và hơn sáu triệu ở các khu vực lân cận, chỉ sau New York, Los Angeles và Mexico City. Trong khi đó lĩnh vực công nghệ đã từ lâu ăn sâu vào nền kinh tế của Toronto.
Không chỉ những gã khổng lồ công nghệ Mỹ mà các công ty thương mại điện tử Canada như Shopify đều đã đến Toronto với hy vọng có thể thu hút được thêm những nhà nghiên cứu hay kỹ sư tài năng tại thành phố của Canada này.
Tristan Jung, một nhà khoa học máy tính gốc Hàn đã lớn lên ở Toronto từng làm việc 6 năm tại trụ sở của Twitter ở San Francisco, gần đây đã thuyết phục công ty xây dựng một trung tâm kỹ thuật tại quê nhà Canada.
Ông Tristan nhận định: “Đây là một nơi mà các công ty có thể “đặt cược” lâu dài bởi việc xây dựng các kết nối với các trường học trong khu vực có thể giúp tạo ra một kho tài nguyên tuyển dụng mới trong tương lai”. Năm ngoái, Twitter cũng đã tuyển dụng được hơn 100 kỹ sư tại Toronto.
Thách thức với các startup bản địa
Công ty mẹ của Facebook là Meta từng bị các công ty khởi nghiệp tại Toronto lên án. Lí do là bởi dù chưa có một văn phòng chính thức ở trung tâm thành phố, Meta đã rốt ráo tuyển dụng những kỹ sư hàng đầu ở thành phố hay bất cứ ai sẵn sàng làm việc tại nhà trong đại dịch với mức lương ngang bằng với thu nhập của những nhân viên được trả tại thung lũng Silicon. Điều này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với những công ty mới khởi nghiệp tại đây.
Các công ty lớn của Mỹ đến Toronto một phần cũng vì chi phí thấp nhưng chất lượng nguồn nhân lực lại cao. Nhu cầu nhân lực tăng đột biến từ các công ty nước ngoài đang tạo ra áp lực đối với các công ty bản địa trong việc xây dựng các chính sách tiền lương đủ hấp dẫn để giữ chân nhân tài.
Toronto vốn là trung tâm tài chính của Canada và là “quê hương” của các ngân hàng lớn. Microsoft đã khai thác các văn phòng tại vùng ngoại ô thành phố này trong nhiều năm qua. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi có sự xuất hiện đồng thời của các công ty chip máy tính như Intel và AMD. Ngoài ra, Google cũng đang điều hành một văn phòng kỹ thuật gần Đại học Waterloo.
Năm 2019, hai nhà nghiên cứu Canada đã làm việc trong Toronto Lab của Google là Nick Frosst và Aidan Gomez đã tạo ra công ty trí tuệ nhân tạo của riêng họ cùng với một doanh nhân khác, Ivan Zhang. Công ty có tên là Cohere, chuyên về công nghệ giúp máy móc có thể hiểu được cách mọi người viết và nói chuyện. Đây cũng là sản phẩm triển vọng của lĩnh vực AI và Google chính là một trong những đối tác của họ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án công nghệ ở Toronto đã phát triển đúng như mong đợi. Năm 2020, các phòng thí nghiệm Sidewalk, được vận hành bởi công ty mẹ của Google là Alphabet, đã tiết lộ một kế hoạch đầy tham vọng để số hóa toàn bộ thành phố. Nhưng dự án đã thất bại do những thách thức đến từ đại dịch cũng như phản đối từ chính địa phương.
Nguồn trích: https://khoinghieptre.vn/sau-thung-lung-silicon-dau-se-la-noi-thu-hut