Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn tiếp tục triển khai chương trình khởi nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tránh chuyện chỉ dừng lại ở phong trào bề nổi.

Thủ tướng cảnh báo tình trạng khởi nghiệp theo phong trào 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình khởi nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0, để tránh chỉ dừng lại ở phong trào bề nổi.

Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra xuất phát từ việc gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng khởi nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 đang được các startup Việt Nam nắm bắt nhanh, tuy nhiên nếu không có sự đầu tư, tìm hiểu theo chiều sâu và sự chuẩn bị kỹ thì chỉ dừng lại ở phong trào bề nổi.

Như ICTnews đã đưa, theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sôi động, mạnh mẽ, có sức sống như thời gian vừa qua.

Cùng đó, việc khơi gợi và thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm, khát vọng khởi nghiệp sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình phát triển của các quốc gia khởi nghiệp.

Tuy nhiên nhận định về cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đánh giá không ít startup còn mang tính phong trào, non trẻ trong kinh nghiệm và kiến thức, nhiều dự án đã phải phá sản chỉ trong năm đầu tiên.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược VNPT cho rằng khởi nghiệp ở Việt Nam mang tính phong trào quá nặng. Khởi nghiệp ở Việt Nam đang bị quy chụp ở một số khái niệm và định nghĩa. Do đó trước tiên phải làm rõ khái niệm về khởi nghiệp, phải được hiểu rộng hơn là cách bắt đầu một ngành nghề, một đam mê, khao khát để làm ra một giá trị nào đó cho xã hội, giá trị cốt lõi của khởi nghiệp không phải là tiền.

Còn theo CEO GotIT! Hùng Trần, giới trẻ Việt Nam không nên khởi nghiệp theo phong trào, mà chỉ khởi nghiệp khi đã hiểu rõ về những thứ mình phải đối mặt và sẵn sàng để đương đầu.

Bởi ngay cả Silicon Valley, nơi có rất nhiều người giỏi, nơi vùng trũng của công nghệ, nơi cực nhiều nhà đầu tư rót tiền, nơi cơ sở vật chất, hạ tầng cực tốt nhưng vẫn có 9/10 startup “khai tử” mỗi năm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *