Nền kinh tế Việt Nam đang có khá nhiều thách thức, song đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư tương lai, trong đó tập trung vào nguồn nhân lực.
Việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực hiện giờ là hai tiêu chí được đưa lên hàng đầu của các doanh nghiệp. Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, giám đốc khối quản trị nguồn nhân lực Công ty tài chính FE Credit Phạm Mạnh Khôi nói: “Phải luôn coi nhân sự là trụ cột quan trọng, tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp”.
* Ông cho rằng quản trị nhân sự của một công ty lớn có khác biệt gì so với một start-up?
– Với tình hình kinh tế đang khó khăn hiện nay, việc thu hút các nguồn nhân lực có những thuận lợi và thách thức nhất định. Với một doanh nghiệp lớn và đã có thương hiệu, như FE Credit đã hoạt động hơn 12 năm, chắc chắn sẽ dễ thu hút nguồn nhân lực hơn các công ty mới thành lập. Bên cạnh đó, chúng tôi có sự cộng tác với đối tác chiến lược từ Nhật Bản cũng là một lợi thế để thu hút nhân sự chất lượng cao.
Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực của chúng tôi rất lớn, số lượng tuyển dụng có thể lên đến cả trăm, cả ngàn người mỗi tháng. Hoạt động kinh doanh của công ty không chỉ gói gọn ở TP lớn mà trải dài khắp 63 tỉnh thành. Do đó, việc đáp ứng nguồn nhân lực cho cả hệ thống sẽ khó khăn hơn nhiều so với một start-up thường chỉ hoạt động tại một địa phương nhất định.
* Theo ông, đâu là lợi thế start-up có thể tận dụng để thu hút nhân tài?
– Như đã nói, chắc chắn một doanh nghiệp quy mô tầm cỡ và danh tiếng sẽ có lợi thế hơn so với doanh nghiệp nhỏ và mới khi thu hút nhân sự. Tuy nhiên, nét mới là thế hệ Z lại có khuynh hướng thích làm những công việc mới lạ, nhiều tác vụ và các start-up sẽ cho họ điều đó.
Làm cho start-up, một nhân viên có thể làm nhiều việc khác nhau nên thấy hấp dẫn hơn. Nhân viên cũng được ủy quyền và có điều kiện khám phá hết khả năng của mình. Trong khi đó, các công ty lâu đời lại có quy trình chuẩn chỉnh riêng, mỗi nhân viên thường chỉ bắt đầu với một khâu đặc thù trong hệ thống nên đôi khi không đủ hấp dẫn với các bạn trẻ.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng công ty lớn cũng không hoàn toàn khác biệt so với start-up. Ngay cả FE Credit cũng có thể xem là một dạng công ty khởi nghiệp dù đã khá thành công ở lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong hơn một thập niên qua. Quy mô nhân lực tăng nhanh từ vài chục người ở giai đoạn hình thành lên tới vài trăm người ở giai đoạn sau đó và không ngừng tăng trưởng tới hàng ngàn người như hiện nay, song tinh thần trẻ trung của những ngày khởi nghiệp vẫn còn đó.
* FE Credit có dự định hợp tác với start-up để phát triển nguồn nhân lực trong ngành tài chính không, thưa ông?
– Các sản phẩm và dịch vụ mà FE Credit hiện cung cấp có thể hỗ trợ start-up trong việc tìm kiếm nguồn vốn vay nhỏ lên tới 100 triệu đồng để khởi sự. Trong 15 triệu khách chúng tôi đang phục vụ cũng có những doanh nghiệp siêu nhỏ, những start-up ở quy mô rất nhỏ để từ đó mở rộng quy mô lớn dần. Nguồn vốn đó không nhiều nhưng phù hợp với các mô hình nhỏ, với các sinh viên hoặc người mới ra trường bắt đầu lập nghiệp.
Chúng tôi rất hào hứng và đã đồng hành với báo Tuổi Trẻ các năm gần đây với mong muốn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho bạn trẻ. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi được giao lưu với các bạn trẻ khởi nghiệp và gửi gắm thông điệp rằng các bạn cứ sống với hoài bão của mình, không ngừng nỗ lực chính là con đường dẫn tới thành công.
Nguyên tắc khởi nghiệp thành công là phải rất kiên trì với con đường của mình. Chúng tôi khi khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn và thất bại. Nhưng cả đội ngũ luôn tin tưởng vào giá trị mà sản phẩm chúng tôi mang lại cho khách hàng nên đã luôn kiên định theo đuổi để đạt được thành công như hôm nay.
* Sở hữu đội ngũ nhân sự trẻ, start-up phải lưu ý những rủi ro gì? Ông có lời khuyên nào cho start-up trong câu chuyện giữ chân người tài?
– Với một công ty khởi nghiệp, nếu tuyển được lao động giỏi thì họ sẽ cống hiến và mang lại lợi ích đáng kể cho công ty ngay từ đầu. Nhưng sau một giai đoạn, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và có thêm sự tự tin, họ có thể tự tách ra làm riêng và không loại trừ ngay chính lĩnh vực mà công ty đang kinh doanh. Điều này cũng gây khó khăn cho start-up.
Một kinh nghiệm mà tôi nghĩ các start-up có thể tham khảo là chúng tôi luôn duy trì những chương trình hướng tới việc giữ chân nhân tài. Công ty nên cho người lao động thấy một điều là việc đồng hành với doanh nghiệp cũng là cách để họ phát triển cả tài năng và tài chính. Sự phát triển của chính họ gắn liền cùng sự phát triển công ty sẽ phần nào hạn chế hiện tượng chảy máu chất xám.
Chúng tôi luôn đề cao tinh thần khởi nghiệp thông qua việc triển khai hoặc tham gia các hoạt động, sự kiện liên quan để tạo điều kiện và truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ.
Nguồn trích dẫn: Nhân sự: Con đường nào cho start-up? – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)